Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý xuất hiện ở phụ nữ khi mang thai, gây rối loạn thai nghén, thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ, làm tăng nguy cơ lưu thai, sinh non và làm suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ sau này. Bệnh thường có các triệu chứng điển hình như huyết áp tăng cao, lượng protein lớn trong nước tiểu kèm theo phù nề.
Các yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ tiền sản giật
- Phụ nữ mang thai từ 40 tuổi trở lên hoặc dưới 18 tuổi
- Mang thai vào mùa lạnh và ẩm ướt
- Chửa trứng
- Đa thai ối, thai to
- Thiếu máu cục bộ ở tử cung và nhau
- Bị tăng huyết áp mạn tính, máu khó đông, béo phì, tiểu đường khi mang thai
- Phụ nữ mang thai có tiền sử bị tiền sản giật ở lần mang thai trước đó hoặc có người nhà bị tiền sản giật
Triệu chứng của tiền sản giật
Huyết áp tăng cao: Phụ nữ mang thai có huyết áp từ 140/90 mm Hg trở lên thu được trong 2 lần liên tiếp cách nhau ít nhất là 6h nhưng không quá 1 tuần.
Dư thừa lượng protein lớn trong nước tiểu (protein niệu): Thông qua xét nghiệm nước tiểu nếu lượng protein trên 0,3g/l/24h hoặc lớn hơn 0,5g/l/mẫu nước tiểu thì mẹ bị protein niệu.
Phù nề: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là bị phù nề ở bàn chân. Dấu hiệu này thường khó phân biệt với tình trạng phù nề thông thường. Mẹ nên thăm khám ngay nếu có biểu hiện phù nề bất thường, phù nề ở bàn chân kèm theo biểu hiện sưng phù ở mặt và tay.
Ngoài ra, khi bị tiền sản giật nặng còn có một số triệu chứng kèm theo như:
- Da tái nhợt, niêm mạc nhợt, người lờ đờ, mệt mỏi
- Giảm thị lực, thường xuyên bị đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
- Buồn nôn, ói mửa, đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải.
- Bị tràn dịch đa màng, đau thần kinh.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật nặng có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề cho cả thai phụ và thai nhi. Điển hình là các biến chứng dưới đây :
- Xuất huyết não, rối loạn đông máu, suy gan và suy thận cấp là những nguyên nhân dễ gây tử vong ở thai phụ.
- Phù phổi và suy tim cấp, xảy ra lúc thai phụ chuyển dạ hoặc sau khi sinh một vài giờ.
- Xuất huyết võng mạc, rau bong non dẫn đến tình trạng chảy máu và bị choáng nặng ở thai phụ.
- Khi bị tiền sản giật nặng rất dễ bị biến chứng thành sản giật. Những biến chứng điển hình của sản giật là vỡ bao gan gây chảy máu trong gan, bị phù phổi, suy thận cấp… Đây là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ tử vong ở phụ nữ khi mang thai.
- Làm tăng nguy cơ bị sinh non & suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
- Tăng nguy cơ bị lưu thai, hoặc tử vong ngay sau sinh do trẻ bị ngạt thở, chảy máu não, chảy máu phổi, chấn thương…
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật
Hiện nay, điều trị triệu chứng là cách duy nhất để đề phòng các biến chứng của bệnh do chưa có phương pháp điều trị bệnh cụ thể. Chủ động phòng tránh là cách tốt nhất đối với thai phụ. Phụ nữ mang thai nên:
- Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp, không ăn quá nhiều tinh bột, đường, không sử dụng chất kích thích để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.
- Bổ sung chất xơ, protein, Omega 3, vitamin D và canxi không chỉ giúp mẹ giảm được nguy cơ tiền sản giật mà còn có lợi ích vô cùng quan trọng cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, giúp phát triển tối ưu não bộ của trẻ. Mẹ có thể bổ sung các dưỡng chất trên từ cá hồi, sữa, bông cải xanh, đậu bắp, ngũ cốc nguyên chất…
Ngoài ra, mẹ bầu cần phải quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể nhằm phát hiện sớm và có phương hướng để điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh cũng như các rủi ro có thể xảy ra cho mẹ và bé.
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/cham-soc-suc-khoe-sau-sinh/ba-me-sau-sinh-nen-an-uong-nhu-the-nao-la-dung/