Có khoảng 25% phụ nữ khi mang thai gặp phải tình trạng táo bón. Điều này không gây ảnh hưởng đến thai nhi nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và khiến mẹ có cảm giác thật sự khó chịu.
Nguyên nhân
- Trong quá trình mang thai, thai phụ có những sự biến đổi hormone đáng kể, gây ảnh hưởng xấu đến đường ruột, cản trở quá trình đào thải khiến mẹ dễ bị gặp phải tình trạng táo bón.
- Có không ít phụ nữ khi mang thai có chế độ ăn uống, tập luyện không cân đối và phù hợp như: thiếu chất xơ, uống ít nước, tăng cân, vận động ít… Thêm vào đó, khi mang thai mẹ thường bị thay đổi thói quen và khẩu vị ăn uống do vị giác bị thay đổi. Đây đều là những nguyên nhân trực tiếp gây táo bón ở mẹ bầu.
- Việc bổ sung quá nhiều các khoáng chất sắt và canxi trong quá trình mang thai làm gia tăng gánh nặng tiêu hóa, tăng nguy cơ bị táo bón khi mang thai.
- Sự phát triển của bé tạo áp lực và gây chèn ép lên khung xương chậu cũng làm gia tăng tình trạng táo bón ở thai phụ.
Ngăn ngừa táo bón khi mang thai
Phụ nữ có thai nên có chế độ ăn uống dinh dưỡng phù hợp và khoa học
Mẹ bầu cần bổ sung chế độ ăn nhiều chất xơ bằng cách ăn nhiều rau xanh và rau củ quả. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột thường có trong các loại rau xanh, nho, chuối, kiwi, đu đủ chín…
Bổ sung lượng sắt và canxi khi mang thai là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý nên bổ sung vừa đủ và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý bổ sung quá nhiều các khoáng chất trên dễ gây áp lực lên đường ruột và gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của mẹ.
Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, đặc biệt vào cuối thai kỳ, mẹ thường đi tiểu nhiều về đêm, do vậy cần bổ sung nhiều nước hơn để có thể hấp thụ tối đa chất xơ, gia tăng việc đào thải lượng sắt và canxi thừa. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên hạn chế các loại đồ uống không tốt cho cả mẹ và bé như café, nước ngọt, rượu bia… để giảm thiểu tình trạng táo bón trong thai kỳ.
Tập luyện thường xuyên và đều đặn
Tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, kegel, đi bộ hay massage không những giúp máu lưu thông, ngăn ngừa tình trạng táo bón mà còn tốt cho việc sinh nở sau này.
Khi bị táo bón, không nên tùy ý dùng thuốc gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống một cách khoa học và sử dụng thuốc phù hợp để giảm thiểu tối đa tình trạng táo bón khi mang thai.
Trên đây là những thông tin hữu ích về nguyên nhân và cách phòng tránh táo bón trong thai kỳ mà chúng tôi cung cấp hi vọng có thể giúp ích được cho các mẹ bầu. Chúc các mẹ và bé luôn khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai của mẹ!
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/cham-soc-suc-khoe-sau-sinh/ba-me-sau-sinh-nen-an-uong-nhu-the-nao-la-dung/