Thiếu men G6PD là một loại bệnh có tính di truyền khá phổ biến. Vậy thiếu men G6PD là gì, trẻ nhỏ bị thiếu men G6PD có nguy hiểm không và cần phải phát hiện, chữa trị như nào? Hãy cùng theo dõi và tìm hiểu nhé.
Thiếu men G6PD
Men G6PD là một loại men nằm ở trên màng của tế bào hồng cầu, nó có tác dụng trong việc bảo vệ những lớp màng này khỏi các yếu tố làm oxi hóa ở trong máu. Thiếu hụt G6PD do di truyền, bố mẹ mang trong người gen bệnh rất có thể truyền sang cho con. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp con bị bệnh ngay cả khi bố mẹ khỏe mạnh hoàn toàn. Các em bé giới tính nam thường có nguy cơ bị mắc bệnh này cao hơn các bé gái.
Trẻ em bị thiếu hụt G6PD thì hồng cầu dễ vỡ và rất nhạy cảm khi bị tiếp xúc với những yếu tố làm oxi hóa ở trong máu, những tác nhân này được bệnh nhi dung nạp vào trong cơ thể thông qua ăn uống, nhiễm trùng hoặc truyền dịch. Bệnh nhi thường có biểu hiện dị ứng rất là nặng với đậu tằm.
Trẻ nhỏ bị thiếu men G6PD có gì nguy hiểm
Trẻ em bị thiếu G6PD dễ bị tổn thương hồng cầu, từ đó bé có thể phải đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là vàng da kéo dài và huyết tán. Huyết tán trong thời gian kéo dài, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Bên cạnh đó, khi hồng cầu bị vỡ sẽ sản sinh ra bilirubin trong máu. Khi đó, gan không chuyển hóa kịp để có thể loại bỏ chất này, bilirubin tồn đọng tự do ở trong máu là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da. Nguy hiểm hơn, nếu chất này ngấm dần vào trong não dễ dẫn đến biến chứng về thần kinh và bại não.
Khi bị huyết tán, trẻ sơ sinh có các biểu hiện: vàng da và mắt, bỏ bú, mệt mỏi, da xanh xao, vã nhiều mồ hôi, lạnh các chi, nước tiểu sậm màu.
Bệnh không thể chữa khỏi do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bệnh không ảnh hưởng xấu nếu em bé được chăm sóc và điều trị đúng đắn.
Biểu hiện thiếu G6PD ở trẻ sơ sinh
Bệnh không có dấu hiệu gì đặc trưng. Một vài em bé bị vàng da trên 1 tuần, song bệnh tương đối là khó phát hiện nếu chỉ căn cứ vào đặc điểm này.
Bé có biểu hiện rõ ràng hơn khi bị mắc bệnh nhiễm trùng hoặc ăn phải những loại thực phẩm “cấm kỵ” đối với người bị thiếu G6PD. Khi đó, xuất hiện các dấu hiệu như:
- Vàng da và mắt
- Đau bụng, nhất ở phần thắt lưng
- Đau đầu
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
- Khó thở
- Nước tiểu sậm màu
Khoảng 1 đến 2 ngày sau, trẻ sơ sinh sẽ thiếu máu nặng nề, vô cùng mỏi mệt và kèm theo các dấu hiệu của suy thận, gan, thậm chí có thể tử vong nếu không phát hiện và cấp cứu đúng lúc kịp thời.
Chăm sóc trẻ nhỏ bị thiếu G6PD?
- Không cho bé ăn các thức ăn, đồ uống chống chỉ định với những người bị bệnh, không sử dụng thuốc có những chất gây tan huyết.
- Không cho băng phiến vào chăn màn, tủ quần áo, đồ dùng cá nhân của bé, bởi vì trong băng phiến chứa chất oxi hóa.
- Cẩn trọng khi cho trẻ sơ sinh sử dụng thuốc nam, đông y. Chúng cũng có thể có các tác nhân làm oxi hóa.
- Với những em bé vẫn còn ti mẹ, mẹ không được uống thuốc hoặc ăn thức ăn chứa các chất oxi hóa, các chất này sẽ truyền vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ.
- Thông báo cho các bác sĩ về tình trạng bệnh của bé khi con đi khám tại bất kỳ bệnh viện hoặc cơ sở y tế nào.
- Không tự tiện cho con uống thuốc khi không có tư vấn, chỉ định của bệnh viện, bác sĩ.
Chẩn đoán sớm bệnh thiếu hụt men G6PD ở trẻ em sơ sinh
- Bệnh sẽ không gây biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện đúng cách, kịp thời. Tiến hành sàng lọc sơ sinh thông qua việc lấy máu mu bàn chân hoặc gót chân trong 36 đến 48h sau khi sinh là cách phát hiện bệnh tốt nhất. Máu sẽ được mang đi xét nghiệm men G6PD và một số chỉ số khác.
- Nếu men G6PD thấp, bé sẽ có quá trình chăm sóc đặc biệt, giảm thiểu tối đa khả năng nhiễm trùng. Đồng thời, bé cũng được xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu xem có bị mắc bệnh thiếu hụt G6PD hay là không.
- Bệnh chủ yếu là do di truyền, vì vậy, nếu bố hoặc mẹ có gen bệnh thì hãy chủ động cho con của mình được kiểm tra một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Đến đây thì chắc cha mẹ đã biết được những biến chứng nguy hiểm khi trẻ nhỏ bị thiếu men G6PD. Vì vậy, để giảm bớt nguy cơ thiếu hụt G6PD thì việc thực hiện sàng lọc trước sơ sinh và sơ sinh là điều vô cùng quan trọng. Bố mẹ hãy đặc biệt ghi nhớ nhé.
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/nuoi-con-bang-sua-me/bi-mat-sua-mot-ben-khi-dang-cho-con-bu-phai-lam-sao/