Gia đình tuyệt đối đừng chủ quan khi thấy con bị nôn trớ, hãy theo dõi bé nôn và cho bé đi khám ngay nếu có nghi ngờ bất thường. Thực tế, đây là hiện tượng bình thường khi trẻ bú no, sặc sữa hay bú sai tư thế… Tuy nhiên, đôi khi trẻ nôn trớ cũng cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm.
Nguyên nhân trẻ bị nôn trớ
-
Nguyên nhân do sinh lý
Thức ăn hoặc sữa ở trong dạ dày của bé bị đẩy lên, tạo áp lực lên thực quản, sau đó bị trào qua miệng.
Hầu hết nôn trớ thường không phải do bệnh lý, phụ huynh không cần quá mức lo lắng, có thể khắc phục được nếu lưu ý những vấn đề dưới đây:
Về tư thế
- Đầu của bé cao khoảng 30 độ.
- Ẵm đứng con sau khi bú 30 phút.
- Không cho con mặc quần áo chật chội.
Về dinh dưỡng
- Chia nhỏ sữa cho mỗi lần bú.
- Không cho con bú lại ngay sau khi bé nôn trớ.
- Có thể cho con bú loại sữa ít gây hiện tượng dị ứng trong 2 tuần nếu có nghi ngờ con bị dị ứng sữa nên mới nôn trớ.
Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện
- Con tím tái, ngưng thở
- Thở nhanh
- Khò khè, ho kéo dài
- Nôn kèm dịch xanh, vàng hoặc máu
- Chậm tăng cân, bứt rứt, quấy khóc nhiều
-
Nguyên nhân liên quan đến bệnh lý
Nôn trớ có thể do trẻ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa hoặc các bệnh lý khác. Trẻ bị nôn trớ – cảnh báo một số bệnh:
Viêm dạ dày, viêm ruột do vi khuẩn, virus hoặc ngộ độc thực phẩm
Đây là nguyên do phổ biến nhất gây nên tình trạng nôn trớ ở trẻ. Rất khó phân biệt hai loại bệnh này vì chúng thường có biểu hiện ban đầu khá tương đương: bé nôn liên tiếp 12 tiếng đầu, cứ 5 – 30 phút/lần.
Một vài dấu hiệu có thể phân biệt hai loại bệnh:
- Viêm dạ dày, viêm ruột do vi khuẩn, virus thường đột ngột kèm theo sốt cao, đau bụng và nôn trớ. Bé nôn kéo dài có thể lên tới 3 ngày, tiêu chảy xuất hiện ở 1 – 2 ngày đầu tiên.
- Ngộ độc thực phẩm khởi phát sau khi ăn, bé bị nôn từ 2 đến 12 giờ, thường không sốt, có thể bị tiêu chảy hoặc không.
Tắc ruột
Bệnh này tuy hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm. Khi bị tắc ruột, bé đau bụng rất dữ dội và có thể kèm theo triệu chứng nôn vọt, nôn ra mật màu xanh, vàng, người vã mồ hôi, nhợt nhạt…
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu thấy con bị sốt cao, đi tiểu rát, nước tiểu nặng mùi, nôn trớ trong nhiều ngày, cha mẹ nên nghi ngờ đến khả năng con bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Lồng ruột
Nôn trớ có thể là một trong những biểu hiện lồng ruột. Một vài biểu hiện đi kèm khác là trẻ thường hay co chân về bụng, đi ngoài phân lỏng có thể kèm máu. Nếu bị bệnh này, em bé của bạn cần phải được cấp cứu ngay vì tình trạng rất nguy hiểm.
Hẹp phì đại môn vị
Những em bé từ 3 đến 5 tuần tuổi mà nôn dữ dội, cứ bú là nôn lặp lại nhiều lần, cha mẹ cần nghĩ ngay đến khả năng con bị hẹp phì đại môn vị. Bệnh này phải được phẫu thuật.
Nhiễm trùng hô hấp
Con thường hay bị nôn trớ sau một cơn ho nặng
Phải làm gì khi thấy con bị nôn trớ?
- Nôn trớ khiến con bị mất nước, bổ sung Oresol để cân bằng nước.
- Chia nhỏ các bữa ăn.
- Vuốt lưng con sau khi ăn, hạn chế để con đùa giỡn ít nhất là 20 phút sau khi ăn xong.
- Cho con nghỉ ngơi nhiều
- Sau 12 giờ đến 24 giờ, nếu con ổn định thì cha mẹ có thể cho con ăn bình thường.
- Không tự ý sử dụng thuốc có tác dụng chống nôn.
- Khi có các biểu hiện: sốt cao, đau bụng dữ dội, đau đầu, mất tri giác, miệng khô, đi tiểu ít, nôn ra máu hay mật bất thường,co giật, nôn trớ liên tục quá 24 giờ… ngay lập tức cho con đi thăm khám ngay để phát hiện bệnh lý kịp thời.
Nôn trớ có thể chỉ là do sinh lý của trẻ, tuy nhiên trẻ bị nôn trớ cũng cảnh báo một số bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi có biểu hiện hay nghi ngờ lạ, gia đình hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ các bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và xác định nguyên nhân bệnh lý sớm để tránh những di chứng không muốn có nhé.
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/nuoi-con-bang-sua-me/bac-si-san-khoa-goi-y-nhung-thuc-pham-loi-sua-sau-sinh-mo/