Chăm sóc trẻ sơ sinh thực sự không dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là đối với những người làm mẹ lần đầu tiên và chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, để trẻ luôn khỏe mạnh và ít bị ốm yếu, các mẹ lưu ý cần tránh các cách chăm sóc tối kị dưới đây:
Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Nhiều mẹ cho con ăn dặm sớm, từ 3 – 4 tháng tuổi với suy nghĩ rằng bé sẽ mau lớn và cứng cáp. Tuy nhiên, việc cho con ăn dặm sớm lại dễ khiến bé bị nôn trớ, tiêu chảy hay đi ngoài phân sống vì trong giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện nên dễ gây ra rối loạn chức năng tiêu hóa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nhi khoa thì chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi, một số trẻ bị sinh non thì có thời gian ăn dặm là muộn hơn.
Cho trẻ ăn quá nhiều, không theo nhu cầu của trẻ
Mẹ thường nghĩ cho trẻ ăn nhiều thì trẻ sẽ bụ bẫm và nhanh phát triển. Nhưng thực tế, ăn quá nhiều lại khiến trẻ bị rối loạn chuyển hóa, làm suy dinh dưỡng và còi xương.
Khi trẻ không có nhu cầu mà bị ép buộc phải ăn sẽ khiến trẻ ăn uống một cách thụ động và uể oải, không cảm thấy ngon miệng, nhai không kĩ mà chỉ nhai cho xong khiến hệ tiêu hóa của trẻ phải làm việc quá tải, ăn nhiều nhưng lại không hấp thu được dưỡng chất, thậm chí trong một số ít trường hợp đây còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày sớm ở trẻ nhỏ.
Cho trẻ uống nước quá sớm
Có đến 90% thành phần trong sữa mẹ là nước đủ để đáp ứng quá trình chuyển hóa của trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ mà không cần thiết phải bổ sung thêm nước, vì lúc này thận của bé chưa được hoàn thiện. Việc cho trẻ uống nước quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy, khiến trẻ dễ bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng và dễ mắc bệnh hơn, thậm chí trong một số ít trường hợp, uống quá nhiều nước còn khiến trẻ bị loãng máu, làm phù các mô, có thể dẫn tới co giật hoặc hôn mê do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh khiến trẻ bị ngộ độc.
Thời điểm an toàn và thích hợp nhất để cho trẻ uống nước là khi trẻ bắt đầu ăn dặm (trẻ > 6 tháng tuổi). Bổ sung nước vào thời kỳ này khiến trẻ dễ đào thải được mồ hôi và giảm bớt được táo bón. Để tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước khi thấy bé cảm thấy khát, không nên cho trẻ uống quá nhiều, chỉ nên cho trẻ uống từ 60 – 120ml nước mỗi ngày.
Nhiều mẹ có thói quen cho trẻ tráng miệng bằng nước sau khi bú mẹ. Nghe có vẻ hợp lý nhưng đây lại là sai lầm tai hại đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt, nước không đảm bảo vệ sinh rất dễ gây bệnh ở trẻ nhỏ. Thậm chí, việc tráng miệng bằng nước có thể gây chướng bụng ở trẻ, khiến trẻ không còn thèm sữa, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Thường xuyên ngoáy tai cho trẻ
Mẹ thường có thói quen ngoáy tai cho trẻ để loại bỏ chất bẩn trong tai của trẻ nhỏ. Điều này là tốt nhưng nếu lạm dụng quá nhiều sẽ dễ gây đến tổn thương tai ở trẻ. Ngoáy tai thường xuyên không những không làm sạch được tai cho trẻ mà còn dễ làm cho ráy tai bị đẩy vào sâu trong tai. Khi ngoáy tai, trẻ thường ngọ nguậy đầu, nếu mẹ không cẩn trọng rất dễ gây đến chấn thương, tổn thương màng nhĩ ở trẻ.
Rung lắc mạnh khi dỗ trẻ
Khi trẻ khóc hoặc ru trẻ ngủ, mẹ thường hay rung lắc để dỗ trẻ và cho trẻ dễ ngủ. Tuy nhiên, việc rung lắc quá mạnh tay có thể vô tình làm não của trẻ bị tổn thương, có thể dẫn đến tình trạng chảy máu trong não. Những tổn thương này thường không có biểu hiện rõ ràng khi trẻ còn nhỏ, mà lâu dần, khi trẻ lớn mẹ có thể thấy qua sự phát triển không bình thường của trẻ, nặng hơn thì trẻ có thể bị động kinh, thị lực kém, nhận thức kém.
Đặt bé nằm sấp sai cách
Đa số các bà mẹ cho rằng, cho trẻ nằm sấp có thể khiến trẻ khó thở, làm tăng nguy cơ tử vong. Nhưng thực tế là việc cho trẻ nằm sấp chỉ thực sự nguy hiểm khi mẹ cho trẻ nằm sai cách.
Mẹ chỉ nên cho trẻ nằm sấp khoảng 20 phút mỗi ngày và khi mẹ thấy thực sự kiểm soát được trẻ. Có thể để trẻ nằm sấp 1 giờ mỗi ngày nhưng phải chia thành nhiều lần đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Nằm sấp quá lâu khiến thân nhiệt của trẻ tăng, tiết mồ hôi nhiều, nếu mẹ không để ý thì trẻ rất dễ bị cảm lạnh. Trẻ sẽ khó thở do phổi bị chèn ép quá mức, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong do nằm sấp quá lâu khiến trẻ mỏi cổ, trẻ sơ sinh còn non nớt nên không thể tự xoay đầu để thay đổi tư thế.