Viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của não gây tổn thương hệ thần kinh trung ương do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra (lây lan qua muỗi). Đây là một căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ, thông thường nếu qua khỏi thì có thể mắc các di chứng, nặng hơn còn có thể gây ra tử vong. Bệnh diễn qua quanh năm, nhưng chủ yếu là vào mùa nắng nóng, đặc biệt là ở trẻ từ 2 – 6 tuổi (chiếm 75% tổng số trẻ bị mắc phải).
Muỗi, chim hoang dã và lợn là nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch. Muỗi hút máu của chim, lợn bị nhiễm virut, sau đó truyền nhiễm qua trẻ thông qua vết muỗi đốt. Đây là con đường duy nhất gây ra truyền nhiễm viêm não Nhật Bản.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sớm ở trẻ
Trong những ngày đầu, bệnh thường khởi phát đột ngột kèm những biểu hiện như sốt cao trên 38,5 độ, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ thường nghĩ ngay đến việc mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu là sốt virut thông thường thì sau khi uống trẻ sẽ được hạ sốt, nhưng nếu sốt do bị viêm não Nhật bản thì sau khi uống thuốc, trẻ vẫn sẽ ngủ li bì, mệt mỏi do rối loạn hệ thần kinh trung ương. Sốt, đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn là những dấu hiệu sớm có thể dễ dẫn đến bệnh viêm não Nhật Bản.
Khi bệnh trở nặng, trẻ sẽ có thêm một số biểu hiện như tê cứng chân tay, khó thở, cứng gáy, co giật, người li bì, giảm khả năng nhận thức. Đối với trẻ dưới 1 tuổi còn thêm biểu hiện quấy khóc không thể dỗ nín, đặc biệt là khóc to hơn khi được bế.
Triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh
Triệu chứng của bệnh biểu hiện ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện hơn ở người lớn, điển hình nhất là các triệu chứng như thân nhiệt tăng cao, tim đập nhanh, rối loạn hô hấp, trẻ mệt mỏi, chậm chạp, kém ăn, chướng bụng, nôn khan, cứng gáy, quấy khóc, ngủ li bì thậm chí là hôn mê sâu. Ngoài ra, ở một số trẻ còn mắc thêm một số triệu chứng như tiêu chảy hoặc táo bón, nhiều dịch đờm, sổ mũi, ho, phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân…
Để có thể xác định được chính xác nhất căn nguyên của bệnh, cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm nhất có thể khi nhận thấy có các dấu hiệu có khả năng dẫn tới bệnh.
Cách phòng tránh
Chủ động phòng tránh bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ cho trẻ tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ rất dễ bị mắc phải các di chứng như chậm phát triển, trí nhớ kém, bị động kinh, bại liệt, bại não, liệt nửa người… thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Cha mẹ nên thường xuyên:
- Vệ sinh môi trường sống của trẻ sạch sẽ để hạn chế sự trú ẩn của muỗi.
- Để trẻ tránh xa chuồng gia súc để loại bỏ tối đa được mầm mống gây bệnh.
- Mắc màn khi trẻ ngủ để tránh muỗi đốt.
- Thường xuyên sử dụng các biện pháp tiêu diệt muỗi như phun thuốc, tẩm màn bằng hóa chất, dung hương muỗi, bắt muỗi bằng vợt, đèn…
Hiện nay, tiêm phòng vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản là cách phòng tránh duy nhất cho trẻ, đặc biệt là việc tiêm chủng là hoàn toàn miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi.
Để phòng tránh bệnh, trẻ cần phải tiêm đủ 3 mũi vắc xin:
- Mũi 1 lúc 1 tuổi
- Mũi 2 cách mũi 1 từ 1 – 2 tuần
- Mũi 3 cách mũi 2 một năm
Nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu quả phòng tránh. Tiêm đủ 3 mũi sẽ đạt hiệu quả lên đến 95% trong khoảng 3 năm. Do vậy, sau khoảng 3 năm, cha mẹ nên cho con đi tiêm lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Xử lý khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh
Khi trẻ có những biểu hiện viêm não ở giai đoạn khởi đầu như sốt quá cao trong 12h liên tục, hoặc nôn, cứng gáy, rối loạn ý thức, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện chuyên khoa gần nhất để thực hiện xét nghiệm, kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.
Phát hiện và nhập viện sớm sẽ hạn chế được tối thiểu tỉ lệ di chứng và tỉ lệ tử vong của trẻ.
Khi trẻ bị viêm não, cha mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ uống thuốc đúng, đủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc theo ý kiến của bác sĩ.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mãi, lau người bằng khăn ấm để hạ nhiệt.
- Hút dịch đờm tránh dịch đờm bị ứ đọng gây ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ.
- Nên để trẻ nằm nghiêng về một phía, đầu hơi ngửa ra sau để trẻ dễ dàng hô hấp hơn.
- Tăng lượng bú trong ngày cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin và muối khoáng, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Ăn nhiều bữa trong ngày và nên đút cho trẻ từ từ vì trẻ mắc bệnh rất dễ bị trớ, đồng thời tránh bị chướng bụng, khó tiêu.