Sốt xuất huyết là dịch bệnh đang bùng phát rộng khắp cả nước và ở mọi đối tượng, đặc biệt là gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu biết và nắm rõ được các triệu chứng, hướng điều trị và phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ như dưới đây.
Triệu chứng qua 3 giai đoạn ở trẻ em
-
Sốt
- Khi bệnh khởi phát, trẻ em thường bị sốt cao một cách đột ngột, đau đầu, buồn nôn, không muốn ăn, khó chịu và hay quấy khóc.
- Ngoài ra còn có các biểu hiện như xuất hiện tình trạng bị xuất huyết ở dưới da, nhức hố mắt, chân răng bị chảy máu, chảy máu cam hoặc đau cơ đau khớp.
- Nếu xét nghiệm máu trong giai đoạn này, kết quả thường chưa phản ánh được rõ ràng. Đa số hồng cầu có dung tích bình thường, tiểu cầu có thể giảm hoặc vẫn bình thường, bạch cầu giảm.
-
Giai đoạn bệnh nguy hiểm
- Ở giai đoạn này, bé có thể vẫn sốt cao hoặc có thể thuyên giảm. Bé bị chướng bụng do huyết tương bị thoát ra liên tục 24h đến 48h. Tình trạng đó kéo dài khoảng 3 ngày đến 1 tuần.
- Khi đến bệnh viện kiểm tra sẽ nhận thấy bé bị tràn dịch màng bụng, màng phổi, gan bị to bất thường, phù nề mắt. Nếu hiện tượng huyết tương bị thoát ra quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng sốc ở trẻ.
- Các biểu hiện dễ thấy: lờ đờ, người bứt rứt, vật vã, da tái lạnh, lạnh đầu các ngón tay, ngón chân, đi tiểu ít, huyết áp không đo được hoặc bị tụt…
- Xuất hiện bầm tím, các vết xuất huyết ở cẳng chân, bụng, sườn, đùi, mặt trong của cánh tay.
- Bị chảy máu mũi và chân răng, có thể đi tiểu kèm theo máu.
- Lưu ý: Xuất huyết có thể không phải là dấu hiệu bắt buộc. Trẻ mắc bệnh nhưng có thể hoàn toàn không có triệu chứng này kể cả trong giai đoạn bệnh nguy hiểm.
- Một trong những dấu hiệu cảnh báo đặc biệt nguy hiểm là “sốc”, thân nhiệt giảm, tụt huyết áp và tri giác giảm.
- Xét nghiệm máu sẽ thấy tiểu cầu giảm xuống mạnh mẽ (dưới 100 nghìn/mm3). Nếu bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm rối loạn đông máu rất nguy kịch.
-
Phục hồi
- Sau 2 đến 3 ngày là thời kỳ phục hồi. Bé được cải thiện tình trạng, hết sốt, huyết áp được ổn định, đi tiểu bình thường.
- Xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu tăng nhanh, tiểu cầu ở mức độ bình thường.
Hướng điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Khi có dấu hiệu của bệnh, lập tức cho con đến cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Đa số bé có thể chữa trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều sau:
- Trường hợp bệnh nhi bị sốt cao hơn 39 độ C, bé cần sử dụng paracetamol để hạ sốt ngay theo chỉ định bác sĩ. Mặc đồ thoáng mát, không cho con sử dụng aspirin hoặc ibuprofen tránh tình trạng xuất huyết cho bé.
- Tăng cường việc bổ sung nước sôi, nước hoa quả, oresol, cháo pha muối loãng để giảm thiểu tình trạng mất nước cho bé.
- Chia nhỏ thực đơn hàng ngày và sử dụng các loại thực phẩm dạng lỏng và dễ tiêu.
- Để con nghỉ ngơi và hạn chế việc vận động.
- Nếu xuất hiện quá nhiều hiện tượng nôn ói, lờ đờ hay không tỉnh táo, không uống nước được thì cần đưa con đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và khám kỹ hơn.
Phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Hiện nay nước ta vẫn chưa có những biện pháp đặc hiệu để điều trị. Biện pháp tốt nhất và đảm bảo nhất vẫn là chủ động trong việc phòng tránh, cụ thể:
- Vệ sinh các vật dụng có chứa nước thường xuyên, tránh để tồn đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.
- Đậy kín và thả cá vào chum, bể… chứa nước để hạn chế việc muỗi đẻ trứng, loại bỏ bọ gậy.
- Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, môi trường sống và sinh hoạt xung quanh thường xuyên đều đặn.
- Phòng tránh muỗi đốt cho con bằng cách cho bé mặc đồ dài tay, ngủ mắc màn kể cả khi là ban ngày, tiêu diệt muỗi bằng vợt điện, bình xịt, hương…
- Phối hợp tích cực với địa phương trong các đợt phun diệt muỗi định kỳ.
Bệnh dịch sốt xuất huyết ở các trẻ em nhỏ ngày càng diễn biến phổ biến và phức tạp. Hãy luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng chống để tránh bệnh tật cho con yêu cha mẹ nhé.
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/cham-soc-suc-khoe-sau-sinh/phu-nu-sau-sinh-nen-an-hoa-qua-gi-top-10-loai-qua-tot-nhat/