Bệnh sởi là gì?
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, bệnh thường dễ bị lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh và thông qua đường hô hấp. Đây là một trong những căn bệnh phổ biến ở hầu hết trẻ sơ sinh, nếu không được phát hiện và điều trị một cách kịp thời, bệnh sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng không mong muốn ở trẻ nhỏ.
Diễn biến của bệnh sởi qua các thời kỳ
Giai đoạn ban đầu (Thời kỳ ủ bệnh)
Trẻ thường không có bất cứ biểu hiện nào rõ rệt, bé có thể mệt mỏi, người lừ đừ, sốt nhẹ hay lười ăn. Bệnh thường ủ trong khoảng 7 – 10 ngày.
Giai đoạn bệnh khởi phát
Trẻ bị mệt mỏi, uể oải kéo dài, nhức đầu, nhức cơ và sốt cao. Ngoài ra còn kèm theo các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, mắt đỏ, chảy nước mắt hoặc tiêu chảy. Thậm chí, bé có thể xuất hiện thêm những chấm nhỏ li ti màu trắng bên trong má hoặc họng, đây là biểu hiện đặc trưng của sởi. Giai đoạn này thường duy trì từ 3 đến 5 ngày ở trẻ nhỏ.
Giai đoạn bị phát ban
Ban đầu, trẻ có thể bị phát ban từ sau tai, sau đó sẽ lan dần ra cổ, má, ngực, bụng và tay. Trong khoảng 1 -2 ngày tiếp theo, các nốt ban có thể sẽ lan dần xuống lòng bàn tay, đùi, chân và lòng bàn chân. Bệnh càng nghiêm trọng thì các nốt ban càng dày, bé có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu miệng và mũi.
Giai đoạn bệnh phục hồi
Nếu trẻ không bị biến chứng thì các nốt phát ban mất dần, để lại những vết thâm mờ trên cơ thể bé. Trẻ sẽ không còn mệt mỏi, hạ sốt, ăn uống bình thường và khỏe mạnh trở lại.
Phòng tránh và điều trị bệnh sởi cho trẻ sơ sinh
Cho đến nay, chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị sởi. Các điều trị chủ yếu là giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa bệnh sởi là cách tốt nhất để phòng tránh và bảo vệ cho trẻ. Cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vắc xin khi bé được 12 tháng tuổi, và tiêm nhắc lại khi bé được 18 tháng tuổi nhé.
Khi con bị sởi, cha mẹ cần:
- Không tự ý điều trị và cho con uống thuốc tại nhà. Cha mẹ hãy cho con đến cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện mắc bệnh.
- Cách ly con để tránh bệnh lây lan cho những người xung quanh.
- Vệ sinh nhà cửa, khu vực bé sinh hoạt và các đồ dùng cá nhân của bé một cách thường xuyên, đảm bảo không gian của bé luôn sạch sẽ, thoáng mát.
- Vệ sinh cơ thể hàng ngày cho bé bằng nước ấm, thường xuyên rửa mũi cho bé bằng muối sinh lý.
- Cho bé ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, bổ sung nhiều nước và rau củ quả để tránh tình trạng mất nước do sốt, tiêu chảy.
- Kiêng gió để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bé.
- Khi bệnh trở nặng, bé dễ gặp phải các biến chứng nặng nề như bị viêm não, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm giác mạc, chạy hậu… Hãy cho con nhập viện ngay lập tức để có phương hướng điều trị nhanh chóng, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra cho bé.
Nếu thấy con xuất hiện các dấu hiệu bất thường như trên, cha mẹ cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc bệnh sởi, đưa con đến gặp bác sĩ để tránh bệnh trở nặng và gây ra những hậu quả không mong muốn cho bé nhé!
>>> Xem thêm : https://chevang.com.vn/nuoi-con-bang-sua-me/cho-con-bu-bang-sua-me-10-cong-dung-ma-sua-cong-thuc-khong-the-thay-the/